Sáng 27/9, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.
Thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, Bộ Giáo dục chủ trương tham gia biên soạn một bộ sách giáo khoa nhằm tăng tính chủ động trong việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, các tổ chức cá nhân khác cùng tham gia. Các bộ sách giáo khoa khác nếu đáp ứng tiêu chuẩn đều được khuyến khích lưu hành trong trường học.
Sau khi bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn được Hội đồng quốc gia thẩm định đủ điều kiện sử dụng, Bộ sẽ tổ chức bán đấu giá bản quyền cho các nhà xuất bản để phát hành bộ sách này, kinh phí thu được sẽ nộp ngân sách nhà nước. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa mới nhằm giảm giá thành sách.
Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án được Bộ Giáo dục đưa ra là 462 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa); xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 4 bộ); tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa...
Thay mặt Chính phủ trình bày đề án, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, đề án lần này sẽ đổi mới nhiều vấn đề. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng, thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông bao gồm cả chương trình chung cũng như các môn học, trong đó có quy định chuẩn đầu ra, nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc (phần cứng). Bộ sẽ dành khoảng 20% để các địa phương (Sở GD&ĐT) bổ sung những vấn đề mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội. Nhà trường được xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện.
Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận cho biết, đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa được thực hiện qua 3 giai đoạn và từ năm học 2018-2019 triển khai áp dụng chương trình mới. (In to roi gia re)
Dựa trên chương trình thống nhất toàn quốc, Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ/cuốn sách giáo khoa. Bộ Giáo dục sẽ ban hành quy định về cấu trúc, tiêu chí đánh giá, biên soạn, thẩm định và thành lập Hội đồng tổ chức thẩm định sách giáo khoa; ban hành quyết định công nhận các bộ/cuốn sách giáo khoa được phép lưu hành dựa trên kết quả của việc thẩm định.
Theo Bộ trưởng Luận, thay đổi này nhằm huy động được trí tuệ, sự sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong biên soạn sách giáo khoa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của giáo viên và học sinh; triệt bỏ độc quyền trong sách giáo khoa; phù hợp với trình độ học sinh từng vùng miền.
Đề án thực hiện làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 1/2015 đến 6/2017) chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và sách giáo khoa; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới. Giai đoạn 2 (7/2017-6/2018) xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn.
Giai đoạn 3 (7/2018-12/2021), trong đó từ năm học 2018 đến 2019 triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, Ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. Ủy ban cũng đồng ý phương án Bộ Giáo dục biên soạn một bộ sách giáo khoa đảm bảo sự chủ động và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới chương trình sách giáo khoa trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả 3 cấp học.
Ủy ban đề nghị Bộ Giáo dục tổ chức đánh giá tình trạng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa mới cụ thể cho từng cơ sở giáo dục. Theo Ủy ban, việc triển khai đại trà chương trình sách giáo khoa mới cần cân nhắc hợp lý, có thể thay đổi thực hiện đồng thời ở tất cả lớp tiểu học, nhưng đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.
"Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết cả về nội dung, hình thức, hoàn chỉnh đề án để Quốc hội có đủ căn cứ xem xét ban hành Nghị quyết trong kỳ họp tới", ông Thi kiến nghị.